HIỆP ĐỊNH, THỎA THUẬN, BẢN GHI NHỚ GIỮA HAI NƯỚC:
- Tuyên bố: Nâng cấp quan hệ lên Quan hệ Hợp tác Đối tác Toàn diện Việt Nam – Ả Rập Xê-Út (tháng 10/1999)
Hai nước đã ký kết Hiệp định khung hợp tác kinh tế Thương mại Đầu tư và kỹ thuật ngày 25/5/2006; Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; Hiệp định hợp tác về nông nghiệp, chăn nuôi và đánh cá; Nghị định thư hợp tác trong lĩnh vực dầu mỏ, khí đốt và khoáng sản ngày 10/4/2010. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng nhanh trong những năm qua: năm 2007 đạt khoảng 150 triệu USD, năm 2008 tăng gấp đôi đạt hơn 300 triệu USD, năm 2009 mặc dù bị tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới kim ngạch hai chiều đạt hơn 460 triệu USD, đến hết năm 2011 kim ngạch thương mại hai chiều đã vượt 1 tỷ USD (ta xuất hơn 300 triệu USD và nhập khoảng 700 triệu USD). Mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam bao gồm sản phẩm dệt may, thủy sản, máy vi tính, linh kiện điện tử, sản phẩm gỗ, sắt thép. Ta nhập các sản phẩm chủ yếu như hóa chất và các sản phẩm dầu mỏ, khí hóa lỏng, chất dẻo nguyên liệu. Về hợp tác lao động, hiện nay Việt Nam có khoảng gần 1,5 vạn lao động đang làm việc tại Ả rập - Xê út trong các lĩnh vực như xây dựng công trình, khai thác chế biến dầu khí, cơ khí, sản xuất nông nghiệp và các hoạt động dịch vụ khác.
Về đầu tư, hai tập đoàn lớn của Ả rập - Xê út đã đầu tư vào Việt Nam là tập đoàn Zamil Group đầu tư vào lĩnh vực thép tiền chế với việc thành lập Zamil Steet Việt Nam từ đầu năm 1990 và tập đoàn của Hoàng tử Al-Waleed Bin Talal đầu tư vào lĩnh vực bất động sản khách sạn. Về lĩnh vực ODA, Quỹ phát triển Ả râp - Xê út cho vay vốn ưu đãi dự án “bệnh viện đa khoa và trung tâm đào tạo y tế” tỉnh Bắc Cạn và dự án “Trung tâm dạy nghề tại tỉnh Ninh Thuận. Trong năm 2012 bạn sẽ tiếp tục cho vay ưu đãi đối với hai dự án mới liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng đường giao thông tại Việt Nam.
Cuộc họp của Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật lần thứ 1 giữa Việt Nam và Ả rập - Xê út đã diễn ra vào tháng 5/2011 tại Riyadh, kỳ họp lần thứ 2 sẽ diễn ra tại Hà Nội nhằm thúc đẩy, tăng cường sự hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế thương mại đầu tư, lao động giữa hai nước theo hướng chú trọng việc thiết lập cơ chế đảm bảo an ninh năng lượng và lương thực giữa hai nước. Trong đó chú trọng tới việc triển khai đầu tư của Ả rập – Xê út vào lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam để sản xuất lương thực thực phẩm nhằm cung cấp cho thị trường Ả rập - Xê út cũng như khả năng cung cấp dầu thô của nước này cho nhà máy lọc dầu của Việt Nam.
Ả rập - Xê út là nước theo chế độ quân chủ, chế độ chính trị dựa trên luật Hồi giáo, Bộ luật cơ bản của đất nước. Năm 1992 Ả rập - Xê út đã thông qua Bộ luật cơ bản với 82 điều, quy định thể chế chính trị và quân chủ , chức năng nhiệm vụ của các thể chế chính trị, kinh tế, tài chính, quyền lực của Quốc vương và các cơ quan quyền lực khác bao gồm cơ quan Tư pháp, Hành pháp và Điều tiết (regulatory authority).
Về kinh tế, Ả rập - Xê út có nền kinh tế dựa vào ngành công nghiệp khai thác, chế biến và xuất khẩu dầu mỏ và các dịch vụ liên quan. Với trữ lượng khoảng 260 tỷ thùng, chiếm khoảng hơn 20% trữ lượng của thế giới, Ả rập Xê út là nước có khả năng điều chỉnh mức cung cấp dầu trên thế giới, mức khai thác tối đa có thể đạt 12,5 triệu thùng/ngày. Ngành công nghiệp dầu mỏ chiếm 45% thu nhập ngân sách, gần 50% GDP và 90% xuất khẩu của đất nước. Ả rập - Xê út hiện nay là thành viên của nhóm G20, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ năm 2005, có vai trò lớn trong Tổ chức hợp tác các nước vùng Vịnh GCC ( chiếm 44% về quy mô kinh tế trong Tổ chức này) và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa OPEC. Hiện nay Ả rập - Xê út đang thực hiện Kế hoạch lần thứ 9 phát triển kinh tế quốc dân (2010 - 2014), với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, chú trọng an sinh xã hội, cải thiện thu nhập đời sống của các tầng lớp dân cư, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Theo hướng này Chính phủ Ả rập - Xê út đang đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục,ytế và các dịch vụ xã hội khác giảm chênh lệch về thu nhập giữa các tầng lớp trong xã hội, các vùng của đất nước (đặc biệt đối với các tỉnh Miền Đông), tăng tỷ trọng chi đầu tư từ ngân sách cho các vấn đề an sinh xã hội (chiếm 19%), giáo dục đào tạo chiếm (7,7%).